Về Gio Linh săn nhông cát

Túi nhông cát săn được sẽ chế biến thành nhiều món ăn ngon

Túi nhông cát săn được sẽ chế biến thành nhiều món ăn ngon

Bạn đang đọc: Về Gio Linh săn nhông cát

7 giờ sáng. Tôi theo em Phan Nhân ở thôn 2, xã Gio Hải, huyện Gio Linh lên đồi cát tìm hang nhông cát để đặt bẫy. Trên đường đi, em Phan Nhân giải thích cặn kẽ cho tôi cách săn nhông cát. Săn nhông cát có nhiều cách như đặt bẫy ống, bẫy cần, đào hang…Muốn đặt bẫy nhông cát, thì việc quan trọng đầu tiên là phải xác định xem nhông cát còn ở trong hang hay đã ra khỏi hang đi kiếm ăn. Thời gian kiếm ăn của nhông cát thường kéo dài từ 8 giờ cho đến 10 giờ sáng. Khi xác định được nhông cát còn trong hang thì dùng loại bẫy ống đặt ở miệng hang là ổn. Bẫy ống được làm bằng ống tre (hoặc tôn uốn cong), rỗng hai đầu và được buộc thêm thanh tre có sợi dây cước gắn chốt bẫy, phía dưới thắt thành chiếc thòng lọng bỏ vào ống tre. Con nhông cát khi ra khỏi hang kiếm ăn buộc phải chui qua ống tre để ra ngoài, sẽ vướng phải chốt rồi bị thòng lọng tóm chặt trong ống tre. Còn bẫy cần là dùng nhánh cây dương liễu dài khoảng 0,5 – 0,7 m có buộc sợi dây cước gắn chốt, phía dưới thắt thòng lọng. Cắm nhánh cây dương liễu xuống cạnh hang, sau đó dùng thêm nhánh dương liễu khác bẻ thành một chiếc khung (như khung thành trong bóng đá) rồi cài chốt và khéo léo lồng thòng lọng quanh chiếc khung. Nhông cát khi ra khỏi hang sẽ trèo lên chiếc khung để bò ra ngoài và sẽ mắc bẫy. Đặt xong bẫy, cứ khoảng nửa tiếng thì đi thăm bẫy một lần xem nhông cát có mắc bẫy không để gỡ cho vào thùng nhựa. Nếu không chịu khó thăm bẫy, nhông cát mắc bẫy lâu, có nhiều con mang luôn cả bẫy bò đi nơi khác hoặc cắn đứt dây cước thoát thân. Nếu không muốn thử cảm giác thú vị của việc đặt bẫy, thì chỉ cần vác cuốc lên đồi cát tìm hang rồi đào bắt nhông cát. Thời điểm đào hang bắt nhông cát tốt nhất là vào buổi chiều khi nhông cát thường vào hang để nghỉ ngơi sau buổi sáng kiếm ăn. Cứ nhìn cửa hang nhông cát có lớp cát trắng ùn bên ngoài là biết ngay nhông cát đang ở trong hang. Vậy là dùng cuốc đào lớp cát bên trên cửa hang, rồi chọc nhánh dương liễu vào hang xem độ nông sâu, sau đó đến công đoạn đào bắt nhông cát. Hang nhông cát thường có độ sâu khoảng 0,5 – 1 m.

“Thành quả” của em Phan Nhân sau buổi chiều lên đồi cát là những con nhông cát mang về

Sau buổi sáng đi đặt bẫy, “thành quả” mà em Phan Nhân thu được là gần 2 kg nhông cát mang về. Nhông cát được mẹ em lột da, rửa sạch rồi tẩm ướp gia vị như hành, muối ớt, tiêu, chút nước mắm… để 15 phút cho ngấm rồi đem nướng trên bếp than hồng cho đến khi thịt săn lại, ngả sang màu hơi vàng, tỏa hương thơm nức. Khi nướng phải chú ý trở liên tục để thịt nhông cát chính đều hai bên. Món nhông cát nướng khi ăn phải đảm bảo thịt mềm, chắc, ngọt, đậm đà hương vị. Ngoài món nướng, nhông cát có thể chế biến thêm món nhông xào xả ớt. Nhông sau khi băm kỹ sẽ được ướp gia vị trong khoảng 15 phút rồi bắc chảo lên bếp xào. Khi xào phải đảo liên tục để thịt nhông cát không bị vón cục. Xào đến khi thịt nhông cát vàng ươm, có mùi thơm ngào ngạt thì đem xuống thưởng thức. Nhiều người cầu kỳ hơn thì băm bằng dao hoặc dùng cối xay thịt để xay nhuyễn thịt nhông cát với các loại gia vị như ớt, hành, tiêu, tỏi, dầu ăn… Sau đó, trộn thịt nhông cát xay nhuyễn với ít nấm meo đã cắt nhỏ, dùng bánh đa cuốn hỗn hợp này thành từng cuốn bằng ngon tay cái, cho lên chảo dấu nóng chiên dòn. Món chả nhông cát ăn với cơm trắng thì không gì sánh được. Còn dân dã hơn thì làm món cháo nhông cát, cho thịt nhông ướp gia vị xào qua rồi đổ nước vào, khi nước thịt nhông cát sôi thì cho vào nắm gạo… vậy là thành món cháo nhông cát để xì xụp. Với trẻ em vùng cát, săn nhông cát đơn giản là thú vui sau giờ tan học. Trên đồi cát trắng, bước chân trần cứ thế lội cát đào hang hay chạy theo con nhông cát trên đường kiếm mồi trở về hang… Và những con nhông cát săn được sẽ thành món ăn ngon trong tuổi thơ êm đềm. Hương vị của món nhông nướng, nhông xào sả ớt, chả nhông, cháo nhông… sẽ không thể nào quên trong ký ức của những người con rời xa miền cát trắng đi muôn phương.