Không thể nghe thấy rõ âm thanh, lời nói trong cuộc sống khiến nhiều người rơi vào trạng thái thu mình lại với tất cả mọi người. Chính vì vậy, vai trò của những người gần cận, người thân trong gia đình rất quan trọng để giúp họ vượt qua trở ngại này. Bạn có thể tham khảo bài viết này để biết những lưu ý khi sống chung với người nghe kém.
Nặng tai, nghe kém gây ra những ảnh hưởng gì?
Các bệnh lý về thính giác như nặng tai, nghe kém tuy không ngay lập tức đe dọa tới tính mạng của người bệnh, tuy nhiên nếu không được điều trị sớm, điều này sẽ ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe và tinh thần của người mắc. Nặng tai, nghe kém kéo dài có thể khiến người bệnh:
- Gặp khó khăn khi giao tiếp: Đây là một trong những trở ngại lớn nhất của người mắc bệnh nghe kém. Đặc biệt trong môi trường nhiều tiếng ồn, người bị nặng tai thường gặp khó khăn trong việc nghe, hiểu lời nói của người xung quanh.
- Cách ly xã hội: Khó khăn khi giao tiếp khiến nhiều người luôn cảm thấy xấu hổ, tự ti vì phải yêu cầu người khác nói đủ to để họ có thể nghe thấy. Điều này khiến tâm lý chán nản và không dám giao tiếp với người khác.
- Mệt mỏi về tinh thần: Người mắc chứng nghe kém luôn phải căng thẳng để nghe được những âm thanh xung quanh, vì vậy, họ luôn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.
- Trầm cảm: Nhiều trường hợp rơi vào trầm cảm vì luôn phải lo lắng, mệt mỏi vì nghe kém. Trong trường hợp này, những người gần cận là yếu tố quan trọng giúp người mắc bệnh lấy lại niềm tin và sự cân bằng trong cuộc sống.
Đọc thêm: Hòa nhập môi trường làm việc cho người khiếm thính.
Những lưu ý khi sống chung với người nghe kém
Nếu trong gia đình bạn có người bị nặng tai, hãy lưu ý một số điều sau để giúp họ cảm thấy được quan tâm, chăm sóc và dần thoát khỏi những tự ti, mặc cảm do tình trạng nghe kém, nặng tai gây ra:
- Lắng nghe nhiều hơn: Vốn dĩ việc nặng tai, nghe kém khiến nhiều người phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn. Sự mặc cảm về tâm lý khiến nhiều người không dám giao tiếp với bất kỳ ai. Vì vậy, bạn hãy lắng nghe họ nhiều hơn, giúp họ san sẻ những điều mà họ đang chịu đựng.
- Hãy là người bênh vực: Trong một bữa tiệc hoặc bữa ăn tối trong không gian có nhiều tiếng ồn, hãy ngồi cạnh và thể hiện sự quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ cách khéo léo khi thấy họ có vẻ không hiểu lời của người khác. Đây sẽ là nguồn động viên rất lớn đối với họ.
- Luôn tạo một cuộc nói chuyện cởi mở: Nếu bên cạnh bạn có người bị nặng tai hoặc nghe kém, bạn nên tạo một cuộc trò cởi mở, nghiêm túc để họ cảm thấy được tôn trọng. Đừng tỏ thái độ khó chịu hay không muốn nói chuyện, thay vào đó hãy giữ thái độ niềm nở và sẵn sàng lặp lại những điều vừa nói thêm lần nữa.
- Luôn nói chuyện ở vị trí thuận lợi: Nói chuyện ở vị trí quá xa khiến người suy giảm thính lực không thể nghe rõ được những lời nói từ phía bạn. Bạn hãy nói chuyện ở vị trí gần, trực tiếp để tạo thuận lợi cho người nghe kém giao tiếp dễ dàng hơn.
- Tránh nói quá nhanh hoặc dùng câu phức tạp: Khi nói chuyện với người nghe kém, hãy kiên nhẫn và nói chuyện chậm lại một chút, ngắt nghỉ rõ ràng giữa các câu để đảm bảo rằng họ có thể tiếp nhận hầu hết những thông tin bạn đang nói.
- Giảm tiếng ồn xung quanh: Hầu hết những người mắc các bệnh về thính giác đều khó khăn trong việc nghe khi xung quanh có nhiều tiếng ồn. Vì vậy, hãy cố gắng giảm tiếng ồn ở mức thấp nhất khi nói chuyện với họ.
Đọc thêm: Bài tập giúp tăng cường thính lực.