Thói quen lấy ráy tai thường xuyên có tốt không?

Làm sạch ráy tai bằng cách ngoáy tai đã trở thành thói quen của nhiều người bởi cảm giác ngứa ngáy, khó chịu do tai kém vệ sinh. Thế nhưng, tai vốn là một bộ phận khá nhạy cảm và không ai tự quan sát được bên trong tai của chính mình. Vì vậy, thói quen lấy ráy tai cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác.

Có nên ngoáy tai lấy ráy tai không?

Tai bao gồm tai trong, tai giữa và tai ngoài. Ống tai và vành tai được cấu thành chủ yếu nhờ lớp sụn và xương, bên ngoài bao phủ bằng lớp tổ chức liên kết mỏng dưới da và lớp da. Ống tai ngoài hàng ngày sẽ tiết ra chất bã là ráy tai nhưng tùy từng người mà ráy tai có thể khô hoặc ướt.

Ráy tai được hình thành với vai trò bảo vệ thành ống tai và ngăn chặn sự tấn công của nấm, vi khuẩn, bụi bẩn,… vào sâu trong ống tai. Ráy tai cũng hoàn toàn có khả năng tự di chuyển và bong ra ngoài ống tai. Điều này cho thấy tai có cơ chế tự làm sạch nên việc ngoáy tai, lấy ráy tai là không cần thiết. Tuy nhiên, cũng có một số người tiết ra lượng ráy tai quá nhiều, hoặc quá khô, cứng nhưng hầu hết trường hợp ngoáy tai để lấy ráy tai là không cần thiết vì cần tôn trọng cơ chế tự làm sạch của tai.

Ngoáy tai nhiều bị ảnh hưởng gì?

Đến nay, vẫn nhiều người lầm tưởng rằng ngoáy tai sẽ giúp tai được làm sạch, thế nhưng, theo các chuyên gia, hành động này được khuyến cáo là không nên diễn ra vì có thể khiến tai bị tổn thương, chảy máu, thậm chí là có nguy cơ mắc các bệnh lý về tai suy giảm khả năng nghe,…

Một số hệ luỵ của việc ngoáy tai nhiều và không đúng cách như:

Viêm ống tai

Việc dùng móng tay hoặc các vật cứng để ngoáy tai khiến cho lớp da bảo vệ ống tai bị xước, rách hoặc chảy máu khiến vi khuẩn rất dễ xâm nhập và tấn công vào tổ chức liên kết bên dưới da dẫn đến viêm ống tai. Không những vậy, ống tai bị viêm sẽ khiến tai bạn trở nên càng ngứa ngáy, và vô tình khiến người bệnh càng ngoáy tai nhiều hơn để thỏa mãn cơn ngứa.

Hành động ấy vô tình làm tổn thương tai ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây đau nhức tai và thậm chí có thể lên cơn đau đầu, giật nhói đau ở đỉnh đầu. Nhiều bệnh nhân bị viêm ống tai sẽ sốt, đau khi cử động hàm, nửa mặt bên tai bị đau sưng lên và chỉ cần chạm nhẹ vào tai cũng thấy đau.

Thủng màng nhĩ

Các dụng cụ nhọn được nhiều người đưa vào ống tai để lấy ráy tai, bớt ngứa ngáy thế nhưng vô tình đưa vào quá sâu trong ống tai có thể gây nên tình trạng chấn thương, chảy máu trong tai và khiến màng nhĩ bị thủng.

Lây nhiễm mầm bệnh

Thông thường, mọi người thường có thói quen lấy ráy tai sau khi cắt tóc, tuy nhiên, bạn cần cẩn trọng bởi nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh từ dụng cụ lấy ráy tai dùng chung với nhiều người nhưng không được vệ sinh sạch sẽ. Thường xuyên duy trì thói quen này sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm mầm bệnh gây nấm ống tai, thậm chí có thể bị lây HIV.

Đọc thêm: Nhận biết khi nào cần đeo máy trợ thính.